Xử trí sao với thói quen nghiến răng ở trẻ?

Đừng tưởng rằng trẻ nghiến răng chỉ đơn thuần là môt thói quen. Đây còn có thể là báo hiệu của những tổn thương tâm lý, stress,… hay các bệnh lý mà trẻ đang gặp phải. Và nó cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn hại tới sức khỏe răng miệng của trẻ.

Tại sao bé nghiến răng?

Hiện tại, nguyên nhân dẫn tới thói quen nghiến răng ở trẻ chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thói quen này có liên đới đến một số hiện tượng như:

Hiện tượng sinh lý hoặc bệnh lý

Bé trong thời kỳ mọc răng, răng mọc không thẳng hàng hoặc nhiễm trùng tai có thể cảm thấy khó chịu và nghiến răng là một cách để làm dịu cơn đau. Triệu chứng khó thở (do bé bị ngạt mũi hay dị ứng) hoặc nhiễm giun kim cũng có mối liên hệ với hiện tượng nghiến răng.


Hiện tượng tâm lí

Bé bị lo âu, căng thẳng tâm lí do gặp vấn đề trong cuộc sống hàng ngày có thể hay nghiến răng.

Số liệu thống kê cho thấy, độ tuổi mà bé bắt đầu nghiến răng là từ khoảng 3 – 5 tuổi. Đa số trẻ thường kết thúc thói quen này khi lên 6 tuổi.

Tình trạng này hay gặp nhất vào ban đêm khi bé đang ngủ, bé sẽ cắn chặt hai hàm răng lại với nhau, có thể phát ra âm thanh ken két. 

Ngoài ra, nó cùng có thể xuất hiện khi thức, trong trạng thái tập trung quá mức, giận dữ hay quá căng thẳng... là những thời điểm nhận thức bị suy giảm.

Nghiến răng có đáng lo ngại không?

Trong hầu hết các trường hợp, việc nghiến răng không gây ra những biến chứng quá nghiêm trọng. Với những biểu hiện nghiến răng ở mức độ nhẹ, khó có khả năng gây ra những tổn hại đến răng hay sức khỏe của bé.

Nhưng nếu như bé nghiến răng quá mạnh và ở mức độ thương xuyên có thể dẫn tới tình trạng mòn men răng, ngà răng bị lộ ra ngoài. Điều này có thể tạo ra những vết nứt, rạn trên răng khiến răng dễ bị nhạy cảm với nhiệt độ cũng như tạo cơ hội cho vi khuẩn sâu răng tấn công.

Tình trạng này kéo dài mà không có hướng xử lý kịp thời còn gây ra những tác động xấu cho xương hàm, rối loạn khớp thái dương hàm và đau vùng đầu mặt.

Thực tế thì, nghiến răng là một phần của quá trình phát triển tự nhiên ở trẻ. Đa số trẻ khi bước sang 6 tuổi thì tình trạng này sẽ kết thúc. Nhưng việc theo dõi để có thể ngăn chặn, giảm bớt mức độ nghiêm trọng của việc nghiến răng là cần thiết. Bởi đó sẽ là đảm bảo tốt nhất để bé có một sức khỏe răng miệng tốt nhất trong tương lai.

Làm sao để khắc phục việc nghiến răng ở trẻ?

Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng tình trạng nghiến răng diễn ra dai dẳng có thể để lại những hậu quả nặng nề đối với răng miệng. Do đó, để đảm bảo bé có sức khỏe răng miệng tốt nhất, cha mẹ cần quan sát và chú ý để có những can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Đưa bé tới thăm khám ngay nếu bé có những triệu chứng như:

  • Bé phát ra tiếng kêu ken két vào ban đêm khi đang ngủ
  • Bé bị đau ở má hoặc quai hàm khi thức dậy.
  • Bé đau khi nhai.

Đây là những dấu hiệu báo động cho thấy men răng của bé đang bị tổn thương. Cha mẹ cũng cần chú ý đến tinh thần của trẻ. Việc theo dõi, để ý xem bé cảm thấy thế nào trước khi đi ngủ, có tỏ ra lo lắng không, có giận ai không? Việc này cũng sẽ giúp bố mẹ xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng nghiến răng ở trẻ để có hướng điều trị phù hợp.

Và cha mẹ cũng đừng quên cho trẻ đi thăm khám sức khỏe răng miệng định kì để phát hiện sớm và phòng tránh các bệnh lý răng miệng có thể đến với trẻ.

Bài viết cùng chuyên mục